Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

THIỀN VIỆN TRÚC LÂM BẠCH MÃ



     Chiều thứ Bảy, thằng bạn từ Sài Gòn điện ra: "Ê! Mày đã đi Thiền Viện Trúc Lâm ở Huế chưa?"

     - "Ủa, Thiền Viện Trúc Lâm nằm ở chỗ nào, tao đâu có biết! À, mà đúng ra là tao đã nghe mang máng cái tên này ở đâu đó rồi, hình như ở Đà Lạt thì phải, nhưng ở Huế thì tao chưa nghe thấy bao giờ! Nhưng mà có việc gì?".
     - "Vậy thì ngày mai tao bay ra rủ mày lên đó tham quan cho biết nhé, tao là người Huế nhưng cũng chưa từng đến đó. Nghe người nhà tao kể trên đó đẹp lắm, quy mô hơn cả Thiền Viện Trúc Lâm ở Đà Lạt nữa". - "OK, chơi luôn!".
     Thế là sáng Chủ nhật, đúng 8 giờ sáng nó đã có mặt tại nhà tôi, vội vội vàng vàng, tôi chỉ kịp vớ vội cái máy ảnh rồi tất tả theo nó lên xe dông tuốt về Bạch Mã, nơi đặt "đại bản doanh" của Thiền Viện Trúc Lâm...
     Dưới đây là những bức hình mình đã ghi lại được nhân chuyến tham quan này...


Cách thành phố Huế 30km, theo đường quốc lộ 1 xuôi về phía Nam . Đến cầu Truồi, rẽ phải thêm 10km, sừng sững trước mắt là đỉnh Bạch Mã quanh năm chìm trong mây và sương khói...


Mênh mang dưới chân Bạch Mã là hồ Truồi xanh biếc chạy dài hút tầm mắt


Bên kia bờ nước, thấp thoáng giữa những ngọn linh sơn là những lầu chuông, phương trượng


những chánh điện, tháp xá lợi...sáng rực lên một cách lung linh huyền ảo trong nắng


Ngày ngày, có những chuyến phà...


Những chuyến đò luôn luôn chờ sẵn...
miệt mài đón đưa du khách băng ngang lòng hồ mênh mông nước...
để đến với Trúc Lâm Thiền Viện nổi tiếng này...
Thuyền cập bến, bao nhiêu bụi trần như muốn giũ bỏ hết...

trước khi đặt chân tới chốn thiền môn


Từ bến đò nhìn lên, cao vút trước mắt là 172 bậc tầng cấp... 


như thử thách cho khách hành hương đến đây vãn cảnh...


Sừng sững phía trên cùng là cổng Tam Quan 

"Thiền Viện Bạch Mã Trúc Lâm"


Lên đến bậc cấp cuối cùng, đứng ngay trước vòm cổng này, phóng tầm mắt nhìn xuống, ta sẽ bắt gặp một vùng non nước xứ Truồi in bóng trời mây


Mặt nước hồ Truồi xanh trong, lung linh, lung linh...


Bước chân qua cổng Thiền Viện...


Ta như ngẩn ngơ trước vẻ hùng vĩ và trang nghiêm của những chánh điện...


được xây dựng với kiến trúc tinh xảo...


nhưng cũng không kém phần sống động, thanh thoát...


Phía hai bên ngôi Chánh điện này...

là lầu chuông tọa lạc phía bên phải...


lầu trống nằm đối diện bên trái...


Mỗi ngôi lầu đều có diện tích 7x7m


Tiếng chuông, tiếng trống nơi đây vừa đồng vọng núi rừng, vừa lan man trên sóng nước tạo nên một âm thanh đặc biệt


có thể khiến cho người Phật tử đều được nhẹ nhàng thanh thoát            Chuông chiều theo nước trôi dòng tục            Trống điểm đầu hôm tan đớn đau


Từ chánh điện, tổ đường...


hay chốn Trai tăng biệt lập... tất cả đều có nét độc đáo riêng...


đó là những mái ngói với hoa văn cong vút hình chim phượng vươn lên nền trời xanh...



Những chiếc chuông gió cất tiếng leng keng đều đều mỗi khi gió về...


Càng làm cho khung cảnh trời mây, Thiền Viện thêm phần lắng đọng...


Ngôi nhà Tổ nằm phía sau, dựa lưng vào vách núi...


bên trong thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma cao 3,5m bằng đá sa thạch và 3 tượng Tổ Trúc Lâm cao 2m cũng bằng đá sa thạch


Về bên phải nhà Tổ là ngôi thất của Hòa thượng viện trưởng các thiền viện Trúc Lâm, hướng nhìn về mặt hồ thênh thang và núi non hùng vĩ


Phía sau Đại Hùng Bảo Điện có một bức tranh lớn, rất lạ với lối dùng chữ cách điệu (hình như là thư pháp), thực tình mình chưa đoán nghĩa được là ...


Hai bên Chánh điện đều có những hàng cột gỗ thẳng tắp, sáng bóng


Những lan can bằng đá chạm khắc



những cây cột đá tạo nên điểm nhấn trong không gian kiến trúc của Thiền viện Trúc Lâm



Với khung cảnh kỳ thú và thanh thoát, nhiều Tăng Ni, Phật tử, khách du lịch đã ghé nơi đây tham quan...


                                Núi non, mây nước, cảnh chùa
                           Như tranh thủy mặc ai vừa vẽ xong...


                                  Giữa bao trời đất mênh mông                              Còn ngơ ngẩn cảnh, ngoái trông một lần..
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét